Dùng cà-phê như dụng binh!

Cà-phê không vô cớ từ một loại thuốc vào thế kỷ 17 trở thành thức uống đứng hàng thứ 2 về số lượng tiêu thụ trên toàn cầu, chỉ sau trà vì số người da vàng lúc nào cũng nhiều hơn các chủng tộc khác. Khó có thuốc nào vừa ngon, vừa có tác dụng nhanh bằng cà-phê. Đúng là không cà thì thôi, hễ cà là … phê!
Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Hễ món nào ăn khách sớm muộn cũng có tiếng mè nheo thị phi. Trong khi số fan của cà-phê tiếp tục tăng từng phút thì cũng không thiếu nhà khoa học bỏ công bới lông tìm vết để phê bình cà-phê. Không lạ gì nếu xưa nay không thiếu báo cáo khoa học thuộc nhóm ghét cà-phê, ghét đến cái tách cũng ghét. Khi thì cà-phê làm tăng huyết áp, lúc thì cà-phê tăng mỡ trong máu. Cà-phê khi làm dâu trăm họ cũng đã chịu nhiều đắng cay.


May cho người tiêu dùng, may luôn cho nhà sản xuất cà-phê, là nhiều công trình nghiên cứu đại trà trong mấy năm gần đây đã chứng minh cà-phê là thức uống đúng điệu nên thuốc. Nhưng đã gọi là thuốc thì phải dùng đúng cách mới mong công hiệu.
Trước hết, cà-phê chống mỏi mệt với ưu điểm là thời gian khởi động tác dụng rất nhanh. Khó có thuốc nào nhanh đến thế! Người cần phản xạ bén nhạy, phán đoán chính xác, óc sáng tạo không nên thiếu cử cà-phê buổi sáng. Nhưng đừng bao giờ chỉ uống cà-phệ mà không ăn sáng vì hoạt chất có tác dụng bổ não trong cà phê chỉ có thể triển khai tác dụng như mong muốn nếu đi kèm là chất đạm và chất đường từ bữa điểm tâm. Thói quen uống cà-phê đen nhưng không ăn sáng tuy giúp cho ẩm khách tỉnh người ngay tức khắc nhưng sau đó khoảng hai giờ lại là nguyên nhân tụt đường huyết khiến gia chủ bỗng dưng hết pin giữa đường!
Kế đến, thuốc hay xấu còn tùy liều lượng. Quan điểm cho là cà-phê gây rối loạn chất điện giải vì làm mất nước không còn đứng vững từ khi các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ , sau công trình thống kê kéo dài 30 năm, đã khẳng định là điều này nếu xảy ra chỉ khi nào ẩm khách tiêu thụ mỗi ngày hơn 4 lần cà-phê. Ngược lại, nếu dùng cà-phê dưới dạng pha loãng thì có ít đến cả lít trong ngày vẫn khỏe như thường. Chuyên gia bệnh tim mạch, cũng ở Hoa Kỳ đã chứng minh là người uống không quá 3 tách cà-phê mỗi ngày có thể giảm đến 25% tỷ lệ nhồi máu cơ tim cũng như tai biến mạch máu não và qua đó góp phần kéo dài tuổi thọ.
Ít có thuốc nào một công nhiều việc. Với cà-phê thì khác, hàng trăm hoạt chất trong cà-phê là đòn bẩy để món uống này tối ưu hóa chức năng tư duy thông qua ảnh hưởng của các nội tiết tố tạo giấc ngủ yên bình và cảm giác lạc quan, như serotonin, endorphin … Uống cà-phê theo đúng nhịp sinh học, vào sáng sớm và sau bữa ăn trưa, nhưng tránh sau bữa ăn chiều, là phương án đơn giản để ẩm khách luôn tìm thấy hứng thú trong công việc và chịu đựng áp lực của cuộc sống dễ dàng hơn.
Là dân làm việc văn phòng mấy ai nói không với cà-phê. Khéo chính ở chỗ biết cách mượn chút cà-phê để yêu người, yêu đời và yêu mình. Một ngụm nên thuốc khéo đến thế, còn muốn gì hơn?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng, Trung Tâm Điều Trị Oxy Cao Áp,  Tp. HCM

Bạn có biết?
Cơ quan nào phải tăng năng suất trong tình huống stress?
* Tuyến thượng thận
Sinh tố nào bị tiêu hao gấp bội khi tuyến thượng thận gia tốc tiến trình tổng hợp nội tiết tố?
*Sinh tố C
Hậu quả nào dễ xảy ra khi cơ thể thiếu hụt sinh tố C?
*Dị ứng với bụi máy điều hòa không khí, máy in, nước lau kính, xà-phòng lau sàn …

Theo  xastress

Leave a Reply