Giới thiệu về Quan họ Bắc Ninh

Dân ca quan họ bắc ninh được hình thành khá lâu đời,do cộng đồng người Việt(Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay của Việt Nam sáng tạo ra.
Dân ca quan họ là hát đối đáp nam,nữ. Họ hát quan họ vào mùa xuân,mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo. Có 4 kỹ thuật hát đặc trưng: Vang, rền nền, nảy. Hát quan họ có 3 hình thức chính: Hát canh,hát thi lấy giải,hát hội. Hát quan họ gắn liền với tục kết chạ, tục kết bạn giữa các bọn quan họ,tục “ngủ bọn”. Mặc dù các phong tục này không được thực hành nhiều như trước đây, cộng đồng cư dân các làng quan họ vẫn bảo tồn và truyền dạy nghệ thuật dân ca quan họ này.



Trang phục quan họ

Trang phục quan họ bao gồm trang phục của các liền anh và trang phục của các liền chị. Trong các lễ hội quan họ có cả những cuộc thi trang phục quan họ.
Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the, hoặc đối với người khá giả hơn thì áo ngoài may bằng đoạn mầu đen, cũng có người áo dài phủ ngoài may hai lần với một lần ngoài bằng lương hoặc the, đoạn, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh…gọi là áo kép. Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp. Thời trước, đàn ông còn nhiều người búi tó nên phải vấn tóc bằng khăn nhiễu. Sau này phần nhiều cắt tóc, rẽ đường ngôi nên chuyển sang dùng loại khăn xếp bán sẵn ở các cửa hàng cho tiện.

Nhận diện cộng đồng có liên quan đến quan họ Bắc Ninh

Chủ nhân của dân ca quan họ Bắc Ninh là người Việt(Kinh) cư trú ở hai tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hiện nay sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và nghề thủ công.Các làng quan họ nằm hai bên bờ sông cầu, cách thủ đô Hà Nội về phía bắc khoảng 30km.Các làng này quy tụ gần nhau trong một không gian với diện tích khoảng 60km2.
Theo kết quả điều tra và kiểm kê,năm 1962 có 72 nghệ nhân,trong đó có 50 người từng hát quan họ trước tháng 8-1945,năm 1972 trong 27 làng quan họ ở Bắc Ninh còn gần 100 nghệ nhân đã tham gia sinh hoạt quan họ những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX,năm 2003,riêng tỉnh Bắc Ninh có 59 nghệ nhân,có 6 nghệ nhân đề nghị phong danh hiệu báu vật nhân văn sống, nhưng nay 2 người đã chết, 4 người còn lại là Nguyễn Văn Thị,Ngô Thị Nhi,Vũ Thị Trịch,Nguyễn Thị Nguyên.Năm 2008, theo kết quả kiểm kê 49 làng quan họ cổ có 1417 nghệ nhân và những người thực hành quan họ có độ tuổi từ 12 đến 98.

Vị trí và phạm vi địa lí của di sản văn hóa quan họ Bắc Ninh

Đến đầu thế kỉ XX, Dân ca quan họ Bắc Ninh được thực hành ở 49 làng mà cộng đồng xác định là làng quan họ cổ, 44 làng hiện nay thuộc tỉnh Bắc Ninh: Bái Uyên, Duệ Đông, Hạ Giang, Hoài Thị, Hoài trung,Lũng Giang, Lũng Sơn, Ngang Nội, Vân Khám (huyện Tiên Du); Tam Sơn, Tiêu (huyện Từ Sơn); Đông Mai, Đông Yên (huyện Yên Phong); Bồ Sơn, Châm Khê, Cổ Mễ, Dương Ô, Đẩu Hàn, Điều Thôn, Đông Xá, Đỗ Xá, Hòa Đình, Hữu Chấp, Khà Lễ, Khúc Toại, Ném Đoài, Ném Sơn, Ném Tiền, Niềm Xá, Phúc Sơn, Thanh Sơn, Thị Chung, Thị Cầu, Thọ Ninh, Thượng Đồng, Trà Xuyên, Vệ An,Viêm Xá, Xuân Ái, Xuân Đồng, Xuân Ô, Xuân Viên, Y Na, Yên Mẫn (thành phố Bắc Ninh). Có 05 làng thuộc tỉnh Bắc Giang: Giá Sơn, Hữu Nghi, Nội Ninh, Mai Vũ, Sen Hồ (huyện Việt Yên).
Ngoài ra ở 13 làng: Đình Cả. Đông Long, Khả Lý Thượng, Núi Hiếu, Mật Ninh, Quang Biểu, Tam Tầng, Thần Chúc, Tiên Lát Hạ, Tiên Lát Thượng, Thổ Hà, Trung Đồng, Vân Cốc (huyện Việt Yên) của tỉnh Bắc Giang, Dân ca quan họ Bắc Ninh cũng được thực hành. Đây là những làng nằm trong vùng lan tỏa của di sản này.

Đặc thù của quan họ

Dân ca quan họ Bắc Ninh là hát đối đáp nam nữ. Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về thời điểm ra đời của Dân ca quan họ trong lịch sử. Đối chiếu lời của các bài quan họ trong sự phát triển của Tiếng Việt, có thể nghĩ rằng Dân ca quan họ phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỉ XVIII, Chủ nhân của quan họ là những người nông dân Việt (Kinh), chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước.
Mỗi làng quan họ đều có lễ hội riêng. Quan họ tồn tại song hành cùng lễ hội làng, nơi mà người dân thờ thành hoàng, nữ thần, một đôi trường hợp là tín ngưỡng phồn thực.
Trong số các lễ hội làng quan họ, hội Lim (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) mở vào 13 tháng giêng âm lịch, là hội lớn nhất.

Bảo tồn phát triển quan họ

Từ năm 1954, chính quyền địa phương rất quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quan họ. Năm 1962, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị Quan họ lần 1/1962. Từ năm 1963 đến 1966, tỉnh Hà Bắc (gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), đã tổ chức 06 hội thảo về quan họ. Năm 1969, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập để bảo tồn, phát triển và trình diễn dân ca quan họ. Tỉnh Hà Bắc thành lập trung tâm văn hóa quan họ để sưu tầm nghiên cứu nhằm bảo vệ quan họ. Tỉnh Bắc Ninh trong quyết định số 1357/QĐ-CT ngày 19-11-2003 đã quy hoạch khu đồi Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thành khu trung tâm lễ hội dân gian, để trình diễn quan họ. Năm 2004, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh thực hiện dự án bảo tồn làng quan họ Viêm Xá. Hằng năm, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tổ chức hội thi hát đối đáp quan họ vào mùa xuân để phát hiện những giọng ca mới.

Quan họ được UNESCO công nhận là di sản nhân loại

Vào lúc 19.55 (giờ Việt Nam, tức 16.55 giờ Abu Dhabi), Quan họ đã được Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể long trọng công bố là Di sản phi vật thể đại diện của Nhân loại.
TS Lê Thị Minh Lý – Cục phó Cục di sản văn hóa, TS Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, ông Phạm Sanh Châu – Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam “dồn dập” thông báo “tin nóng” từ Abu Dhabi, thủ đô của Tiểu vương quốc A rập thống nhất, nơi đang diễn ra kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28/9 – 2/10/2009).

Nguồn:
http://www.quanho.org/quanho

Leave a Reply