(Ảnh sưu tầm)
Liên hoan gì cũng vui. Liên hoan THƠ gồm đa số là nhà thơ nên càng vui.Được gặp những nhà thơ đàn anh mà gần 40 năm qua đọc nhau như : Bằng việt, VQPhương, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Duy, Định Hải, Thi Hoàng, Trần Nhuận Minh...Lứa các nhà thơ chống Mỹ ngày một vơi đi nhiều nên càng thấy quí các anh ấy.
Mình cứ quanh quẩn hết ngày điện ảnh, đêm điện ảnh, ăn điện ảnh, ngủ điện ảnh mãi cũng cần được đổi không khí một chút. Và, được Hội Nhà Văn VN mời, thế là đi luôn. Hơn nữa, vốn có cảm tình với QN từ chuyến đi trước nên càng muốn trở lại nơi này.
Mấy ngày ở QN ở cùng phòng với nhà thơ- bà "chị cả" Phan Thị Thanh Nhàn. Đi đâu cũng réo nhau cùng đi. Đêm dạ hội thơ đầu tiên 2 chị em cũng được mời lên đọc. Đương nhiên bà chị đọc trước, mình đọc sau.
Bài " Con bồ câu của em" của mình được Nguyễn Phan Quế Mai dịch ra tiếng Anh và ông xã mình - Phan Hồng Giang - dịch sang tiếng Nga. Đêm đó mình đọc bản tiếng Việt và cả bản tiếng Nga, Quế Mai đọc bản tiếng Anh. Hơi mất thời gian một tí nhưng vì trong Liên hoan THƠ lần thứ nhất này có 4 nhà thơ Nga cũng sang, 2 nam 2 nữ. Buồn một nỗi, BTC không bố trí người dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt để phiên dịch ngồi trong cabin dịch sang tiếng Anh nên đoàn nhà văn Nga lâm vào tình thế " một mình một ngôn ngữ" . Trong 2 ngày hội thảo phát biểu của đoàn nhà thơ Nga khiến các nhà thơ của các nước khác ngơ ngác nhìn nhau không hiểu gì cả. Nhà văn Thúy Toàn ngồi dịch đuổi nội dung nói chung cho đoàn nhà văn Nga thôi . Mình hỏi anh phiên dịch rằng, trong tập tài liệu có bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt rồi sao anh không dịch? Anh ta giải thích rằng " không được phép làm thế vì sợ người ta phát biểu ( bằng tiếng Nga mà anh không rành) một đằng mình lại dịch một nẻo thì phạm luật!)
Mình đọc xong bản tiếng Nga, các nhà thơ Nga nói rất to " Cnacubo"- (Cảm ơn). Một tri ân nho nhỏ với nước Nga . Bài " Con bồ câu..." mình viết ở nước Nga hồi còn học bên đó mà.
Lúc mình từ sân khấu đi xuống , nhà thơ Hữu Thỉnh bảo " Thế này thì khi về Văn Miếu em cũng phải đọc thôi". ( Nhưng hôm nay 5.2 ( 14 .1 âm ) là ngày hội thơ ở Văn Miếu mình đến nhưng không muốn ( không dám !)vào đăng ký đọc, đơn giản vì nghĩ rằng các nhà thơ QT đi ngàn dặm sang đây, họ là khách - hãy để họ đọc. Các nhà thơ chủ nhà hãy nhường lại sân thơ một chút. Mình hiểu rằng đọc thơ trước công chúng cũng là nhu cầu cần thiết của các nhà thơ. Hồi còn trẻ mình rất thích được mời đi đọc thơ nhưng giờ già rồi thấy đã ngại.
Ngày thơ năm nay mình chỉ thích đi cùng ông xã chào thăm mọi người , mua sách và thăm quán nhỏ của nhà thơ Trần Nhương ( anh rất nổi tiếng với con Web trannhuong.com ) Năm nào quán nhỏ của anh cũng đặt ở góc vườn Văn Miếu nhưng người đến thăm quán rất đông để mua sách của nhà thơ, để được nhà thơ vẽ chân dung và thù lao thì...tùy tâm. Mình ngạc nhiên nhất khi thấy cái thùng cát-tông bé xíu không có nắp được nhà thơ đề 3 chữ cái rất hài hước là ATM! Mình nhòm vào thấy cũng đã kha khá " money" mặc dù lúc ấy mới khoảng 10h. Không biết hôm nay nhà thơ " qui ra rượu" được mấy chai đây?
Hôm nay được nhà thơ Trần Nhương vẽ cho mình và ông xã mỗi người một bức chân dung tốc ký khá đẹp và giống. Gặp vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên- Nguyễn Nguyên Bảy từ SG ra cũng đến Văn Miếu và bao nhiêu các nhà thơ đàn anh khác ( Vân Long, Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc...) trong đó có nhà thơ Vũ Từ Trang, Nguyễn Phan Hách, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - 3 người này là 3 vị khách đầu tiên đã cất công về thăm ngôi nhà nhỏ ở quê của mình hè năm ngoái. Mọi người đều vui vẻ thăm hỏi lẫn nhau vè sức khỏe, cuộc sống gia đình và công việc sáng tác. Mỗi năm có lẽ chỉ có ngày thơ là còn gặp nhau đông đủ nhất. Các nhà thơ biết thế nên dù ở đâu cũng đổ về Văn Miếu vào ngày này.
Liên hoan Thơ Châu Á- TBD là một cố gắng lớn của Hội nhà văn VN .
Cứ tưởng Thơ chỉ là thơ thôi - đôi chút phù phiếm và đôi chút bảng lảng, lãng đãng như khói sương...hóa ra không chỉ có thế. Các nhà thơ quan tâm đến nhiều thứ trong đó. Ngôn ngữ thơ có sức chứa, sức chuyển tải lớn hơn khả năng của nó nhiều. Các nhà thơ QT quan tâm đến những vấn đề toàn cầu mà thơ phải có trách nhiệm phản ánh. Có nhà thơ Inđonexia lại cho rằng ngôn ngữ THƠ mạnh hơn thanh kiếm!!
Có lẽ, sáng tác Thơ là loại hình nghệ thuật tốn ít tiền nhất. Một cây bút, một tờ giấy trắng- là xong, chả đáng bao nhiêu. Bây giờ thì có thể viết trên máy tính...Cũng chẳng đáng bao nhiêu... Một bài thơ khi gặp được tứ hay viết cũng không mất nhiều thời gian...Phải thế chăng nên từ ngàn xưa thơ đã là thú vui tiêu khiển thanh tao của các bậc văn nhân thi sĩ? Thơ cũng là thứ để nhân dân giải trí, đối đáp vui vẻ trong những lễ hội hoặc những lúc nông nhàn? Thơ bác học cũng như thơ dân gian đều có sức sống mạnh mẽ như một thứ " quốc hồn quốc túy" của dân tộc Việt cũng là lẽ đương nhiên.
Đất nước còn nhiều lo toan. Đúng vậy. Còn nhiều vấn đề cấp thiết hơn liên hoan Thơ. Đúng vậy. Nhưng việc gì đi việc đó. Ngành nào lo việc của ngành đó. Lễ hội Thơ đầu xuân cũng giống như bao nhiêu lễ hội khác mà thôi. Thay vì trong các lễ hội khác người ta bán bánh trái, đồ ăn thức uống hay bày ra các trò chơi thì ở lễ hội thơ chỉ là bán sách. Duy nhất là bán sách. Rất nhiều quầy sách của các nhà xuất bản trong cả nước tụ hội về bày bán sách của mình. Các nhà thơ cũng tự quảng bá thơ mình, sách của mình...Có người còn viết thơ lên khổ giấy to treo như tranh để bán...Và cũng rất nhiều các quán thơ, lều thơ của các CLB thơ của các ngành ( ngành điện, bưu điện, CLB thơ Lục bát v.v..). Có lẽ bây giờ mọi người đã quen với cum từ " kinh tế thị trường" nên việc bày sách, bày thơ của mình ra bán và giao tiếp với bạn đọc không còn dụt dè ngượng ngiụ như mấy năm trước. Vui.
Vua Lê Thánh Tông chắc chẳng bao giờ tưởng tượng được rằng bài thơ ông ngẫu hứng viết và cho khắc lên vách đá của Vịnh Hạ Long từ TK 15- hôm nay lại là di sản tuyệt vời khiến biết bao tao nhân mặc khách phải trầm trồ thán phục. Bài thơ đã điểm tô cho
vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long càng thêm đẹp và lấy làm tên cho núi Bài Thơ .
Hơn 70 nhà thơ QT đã đến đây kính cẩn nghiêng mình trước tiền nhân và thả những vần thơ lên trời xanh của Biển.
Và xa kia, hòn Trống Mái, biểu tượng của Tình Yêu , của vịnh Hạ Long mãi mãi sẽ tồn tại cùng...THƠ.
" Xin đừng cười người sống KHÁT Tình yêu
Khi kẻ chết còn biến thành TRỐNG MÁI
Tình yêu là gì sao ngàn năm vẫn mới
Biển bạc đầu còn đội sóng kiếm tìm nhau..."( Trống Mái)
Mình đã viết như thế nhiều năm về trước và bây giờ thấy... vẫn đúng.
Nguồn:
Nguyễn Thị Hồng Ngát
Leave a Reply