Bắt đầu từ nhìn thẳng vào sự thật

TT - Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với đảng viên Nguyễn Trung (nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) về nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
Ông Nguyễn Trung - Ảnh: Tuấn Phùng
* Là một đảng viên, ông đón nhận nghị quyết hội nghị lần 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” như thế nào?
"Cần bắt đầu từ nhìn thẳng vào sự thật với ý chí Tổ quốc trên hết, lợi ích quốc gia là trên hết để đi tới nhận thức mới về Đảng trong tình hình và nhiệm vụ mới, để có được những quyết định đúng đắn cho việc xác lập nội dung và những bước đi trong nhiệm vụ chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng"
Ông NGUYỄN TRUNG
(nguyên trợ lý
cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt)
- Ông Nguyễn Trung: Tôi đánh giá cao việc Hội nghị trung ương 4 thừa nhận một số vấn đề cấp bách của nhiệm vụ xây dựng Đảng, xuất phát từ nhận thức cho rằng công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét đúng, nếu những yếu kém này không khắc phục được sẽ là thách thức lớn đối với sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Tôi hi vọng từ nhận thức này toàn Đảng - trước hết là các cấp lãnh đạo và những người đứng đầu các cấp lãnh đạo - sẽ định hướng được hành động của mình trong nhiệm vụ đổi mới xây dựng Đảng.
Nhiều đại hội và hội nghị trung ương trước đây đã có những đánh giá tương tự như trên. Mới đây nhất là báo cáo chính trị của Đại hội XI (mục B điểm 6) nghiêm khắc nhận xét nhiều hạn chế, yếu kém trong nhiệm vụ xây dựng Đảng chậm được khắc phục. Ở Hội nghị trung ương 4 lần này, Tổng bí thư đặt ra câu hỏi day dứt: Vì sao công tác xây dựng Đảng rất được coi trọng với nhiều nghị quyết, nhiều cuộc vận động nhưng kết quả vẫn không như mong đợi?
Cả nước đang bức xúc về tình trạng suy thoái đạo đức và tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Vì thế tôi nghĩ dư luận rộng rãi cả nước mong muốn, đòi hỏi nghị quyết trung ương 4 lần này sẽ được thể hiện và thực hiện bằng những việc làm thiết thực.
* Nghị quyết đề ra phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”. Với phương châm đó, theo ông, đâu là đòi hỏi bức thiết nhất hiện nay trong vấn đề xây dựng Đảng? Cần làm gì để đáp ứng được đòi hỏi bức thiết đó?
- Nhìn thẳng vào sự thật, như Tổng bí thư đã nêu tại Hội nghị trung ương 4, chính là thái độ của Đại hội VI đối với sự thật, điểm xuất phát mở ra công cuộc đổi mới xoay chuyển hẳn tình hình đất nước.
Thử xuất phát từ chuyện hôm nay: ví dụ, để đạt được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng văn minh và hiện đại vào năm 2020 như đã nêu trong nghị quyết các đại hội Đảng, tôi cho rằng nhất thiết phải tạo ra cho đất nước chí ít bốn yếu tố làm tiền đề, đó là: (1) con người - điều kiện hàng đầu để phát huy nguồn lực lớn nhất và quý nhất của đất nước là con người; (2) có thể chế chính trị dân chủ để phát huy được sức mạnh mọi mặt của đất nước, đồng thời tạo ra được nội lực tốt nhất cho hội nhập quốc tế; (3) đất nước có hòa bình ổn định; (4) cả ba yếu tố vừa nêu phải dựa trên căn bản một nền giáo dục tiên tiến. Từ đây sẽ nhìn ra Đảng phải được chấn chỉnh, đổi mới như thế nào cho phù hợp trong một hệ thống chính trị có nội dung và mục đích cốt lõi là phải tạo ra cho đất nước bốn yếu tố quyết định làm tiền đề như thế. Cần bắt đầu từ nhìn thẳng vào sự thật với ý chí Tổ quốc trên hết, lợi ích quốc gia là trên hết để đi tới nhận thức mới về Đảng trong tình hình và nhiệm vụ mới, để có được những quyết định đúng đắn cho việc xác lập nội dung và những bước đi trong nhiệm vụ chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng. Đấy là cái mối đầu tiên Đảng phải gỡ ra như Đại hội VI từng làm.
* Vậy xin hỏi ông phải làm như thế nào để thúc đẩy việc đầu tiên ông vừa nêu?
- Đầu tiên là thực hiện dân chủ và công khai minh bạch với thái độ nhìn thẳng vào sự thật. Trước hết thực hiện việc này trong Đảng, sau đó và đồng thời là trong cả nước nhằm làm rõ mọi yếu kém, mọi vấn đề và mọi thách thức đang đặt ra đối với Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới. Trên cơ sở này đề ra phương thức khắc phục những yếu kém, xác định năng lực và phẩm chất mới của Đảng và của hệ thống chính trị cần được tạo ra cho phù hợp với đòi hỏi của nhiệm vụ chuyển đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới.
* Nghị quyết lần này đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng như tự phê bình và phê bình, chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành trung ương và cấp ủy các cấp, sớm thực hiện quy định lấy phiếu tín nhiệm... Ý kiến ông thế nào?
- Các giải pháp cụ thể như đã nêu trong nghị quyết trung ương 4 cần được thực thi nghiêm túc. Tuy nhiên với kinh nghiệm và hiểu biết tích lũy được, theo tôi, nếu nhìn nhận việc chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng với nội dung và mục đích nêu trên, thực chất là nhiệm vụ đầu tiên và quyết định nhất trong toàn bộ nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị của nước ta. Với tầm vóc như thế, nhiệm vụ lớn về chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng, nói một cách giản lược, nên chia thành hai bước.
Bước 1: Phát huy dân chủ trong Đảng, thảo luận thẳng thắn và xây dựng về nội tình Đảng hiện nay, so sánh thực trạng Đảng hiện nay với những nhiệm vụ và nghĩa vụ đối với đất nước ở giai đoạn hiện nay Đảng phải lãnh đạo.
Bước 2: Dựa vào những kết luận rút ra từ bước 1, trên cơ sở nhận thức đúng đắn tình hình và nhiệm vụ đề ra cho đất nước trong bối cảnh thế giới hiện nay và những đòi hỏi phát triển của đất nước, đề ra những nhiệm vụ chính trị cụ thể Đảng phải thực hiện liên quan đến phần đổi mới hệ thống chính trị, trên cơ sở đó xác lập nội dung và nhiệm vụ chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng.
* Như vậy, ông muốn đặt nhiệm vụ chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng trong khuôn khổ đổi mới hệ thống chính trị?
- Trong hệ thống chính trị hiện nay của nước ta, Đảng nắm vai trò cầm quyền, cho nên có sự thay đổi hay đổi mới có thực chất nào của Đảng mà lại không liên quan đến hệ thống chính trị của đất nước? Vì vậy, việc chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng cần được coi là vấn đề then chốt trong nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Nhìn nhận một cách nghiêm túc và trung thành với tôn chỉ mục đích như đã ghi trong cương lĩnh, đó là Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhất thiết phải đặt nhiệm vụ chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng trong khuôn khổ đổi mới hệ thống chính trị và cần được hiểu với nội dung và ở tầm cao là một bước quyết định của đổi mới hệ thống chính trị.
* Theo ông, hiện nay thời cơ và thách thức của nước ta là gì?
- Có thể nói hiện nay nước ta đang đứng trước thời cơ lớn. Vì địa chính trị và địa kinh tế của thế giới nói chung và châu Á nói riêng thuận lợi cho việc xây dựng một Việt Nam hòa bình, dân chủ và giàu mạnh. Có thể nói hầu hết các quốc gia xa gần trên thế giới đều mong muốn như thế vì họ hiểu một Việt Nam như thế sẽ là một yếu tố có lợi cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển - nhất là ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, thời cơ nào cũng đi cùng thách thức và hiểm họa. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, hiểm họa và thách thức lớn nhất là mối nguy nước ta để cho thời cơ lớn vuột mất khỏi tay. Ví dụ, hệ quả sẽ ra sao nếu như cứ để cho những yếu kém và tình trạng tụt hậu của nước ta kéo dài ra mãi, giữa lúc thế giới và khu vực chuyển biến vô cùng nhanh chóng, nhiều thách thức mới đang xuất hiện nhanh chóng, trong khi đó khả năng ứng phó của đất nước không theo kịp hoặc thậm chí có mặt giảm?... Mà đã là một quốc gia nghèo yếu, hầu như chẳng có cái gì đáng giá để nói chuyện với thiên hạ. Tụt hậu bây giờ đối với nước ta không chỉ có nghĩa là đời sống thấp kém so với các nước phát triển hơn, mà còn có nghĩa là không thể bảo toàn được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Đổi mới hệ thống chính trị
Theo ông Nguyễn Trung, đại hội XI đã quyết định việc sửa đổi hiến pháp, đây là công việc hệ trọng nhất trong nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị. Một hiến pháp mới tiên tiến chính là cơ sở quyết định để dựa vào đó đổi mới hệ thống chính trị, từ đó quyết định đổi mới xây dựng Đảng cho phù hợp. Phải có cả một chiến lược, một kế hoạch và quy hoạch chu đáo, lộ trình, các bước đi... cho việc thực hiện đổi mới hệ thống chính trị, căn cứ vào đó tính toán, thiết kế các bước đi chấn chỉnh, đổi mới xây dựng Đảng - bao gồm cả vấn đề con người, nhân sự, kể từ đảng viên bình thường trở lên.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/475556/Bat-dau-tu-nhin-thang-vao-su-that.html

Leave a Reply