TP - Áp lực xã hội đặt trong điều kiện những vấn để xảy ra vào cuối mùa giải 2011 đã dẫn đến sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), theo chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ.
Mặc dù khẳng định VFF hỗ trợ các điều kiện tốt nhất cho VPF, nhưng theo ông Hỷ, cũng đồng ý rằng sự ra đời của VPF có phần vội vàng.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ (trái) đồng ý rằng VPF đã ra đời vội vàng Ảnh: VSI. |
Ba vòng đấu đầu tiên của Super League cùng với các trận đấu ở cúp Quốc gia đã diễn ra với khá nhiều sự cố được đề cập, từ các sai sót của trọng tài đến tình trạng bạo lực trên sân. Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, cá nhân cảm thấy rất nóng ruột.
“Đây mới chỉ là ba vòng đấu đầu tiên và chưa phải giai đoạn quyết liệt chứ sau này sẽ còn rất phức tạp. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, VFF chắc chắn sẽ có quan điểm-ông Hỷ nói-Không phải VFF không theo dõi mà chúng tôi có bộ phận luôn theo sát tình hình để khi cần sẽ có sự hỗ trợ”.
Theo ông Hỷ, vấn đề của VPF nằm ở tư duy quản lý của các lãnh đạo công ty hiện nay, không đơn thuần là chuyện nhiều hay ít tiền, đầu tư mạnh hay không. Ông Hỷ đánh giá cao nhân sự cấp cao của VPF, nhưng lại lo ngại khả năng phối hợp, tổ chức giữa các bộ phận.
“Về nhân sự, anh Viễn (Phó chủ tịch VFF kiêm TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn-pv) đang là Phó chủ tịch VFF. Anh Trần Duy Ly từng là Phó chủ tịch VFF. Anh Bàng (Trưởng BTC giải hạng Nhất Nguyễn Hữu Bàng-pv) có kinh nghiệm làm Phó BTC giải và có lúc đã là Trưởng BTC giải…
“Con người như thế là rất tốt rồi. Về phía mình, VFF cũng đã hỗ trợ những người tốt nhất cho VPF. Dù như thế, VFF dĩ nhiên sẽ yếu đi. Tiền bạc VFF cũng không lấy chút nào, chuyển 100% sang cho VPF. Nhiều người hỏi VFF lấy tiền đâu cho ĐTQG. VFF đâu phải cỗ máy in tiền.
Tôi nghĩ đấy đã là một sự hợp tác tích cực rồi. Vấn đề chỉ còn ở cách VPF quản lý, tổ chức các giải đấu như thế nào”, ông Hỷ giãi bày.
Theo ông Hỷ, VPF cần thiết phải thể hiện để các CLB thấy sự ra đời của tổ chức này đem lại công bằng cho các CLB để từ đó có sự hỗ trợ ngược lại. “Ở đây đơn giản như việc thi đấu tích cực trên sân. Chứ nếu để mọi người có cảm giác này khác thì sẽ rất khó khăn”.
Ông Hỷ cho biết, bước vào mùa giải mới, VPF đã khẳng định không cần Ban chỉ đạo giống như các năm trước. “Trước đây sau mỗi vòng đấu, tôi dù là chủ tịch nhưng sân nào xảy ra sự cố đều được báo cáo ngay. Từ đấy VFF cũng nhanh chóng chỉ đạo các bộ phận xử lý”.
Trước tình hình các sự cố diễn ra gần đây, một số ý kiến đã bày tỏ lo ngại VPF không đủ năng lực tổ chức, quản lý và điều hành giải đấu. Theo chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, thời điểm hiện tại chưa thể đưa ra đánh giá được hay không. “Ở vị trí của tôi nói ra có khi lại thành không khách quan. Chúng ta cũng không nên phân biệt VPF với VFF.
Tuy nhiên, chỉ lo VPF tự tin quá thì lại nảy sinh vấn đề. Có những tình huống ta lường trước, nhưng thực tế lại nảy sinh ra nhiều vấn đề khác”.
Theo ông Hỷ, để làm tốt công tác điều hành giải đấu, VPF cần đặc biệt chú trọng công tác trọng tài và giám sát trọng tài. Trả lời câu hỏi có hay không cảm thấy sự ra đời của VPF lúc này là vội vàng, ông Hỷ đồng tình nhưng khẳng định, VFF hỗ trợ các điều kiện tốt nhất cho VPF.
Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho tới ngày hôm qua vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì liên quan tới việc thanh tra hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình các giải VĐQG của VFF cho VPF. Cũng vì vấn đề này, việc chuyển giao giữa VFF với VPF vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, VFF tạm thời sẽ chờ kết quả thanh tra trước khi hoàn thành việc chuyển giao cho VPF. “Hơn nữa cũng cần xem xét, khi anh được chuyển giao, anh có thỏa mãn các điều kiện đặt ra hay không, như việc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm theo yêu cầu”-ông Hỷ khẳng định. |
Nguyên Phong
P/S: Dù vội vàng, dù chưa được như mong muốn, nhưng đáng khen vì nó là điểm nhấn là tiếng chuông thức tỉnh...
Leave a Reply