Bất chấp lệnh cấm, xe công vẫn nô nức lễ khai ấn

Xe công đi lễ đền Trần. Ảnh minh họa. (Nguồn: bee.net.vn)
Vào 10 giờ sáng, trên đường Trần Thừa hai làn rải nhựa bóng lì dài khoảng 2km trước cửa đền Trần, đếm sơ sơ một lượt cũng có tới gần 50 xe biển xanh, biển đỏ...

Sáng 4/2, "tranh thủ" ngày nghỉ cuối tuần và thời tiết khô ráo, hàng nghìn du khách ùn ùn đi lễ tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Nam Định.


Lẫn trong dòng người đó là hàng chục chiếc xe biển xanh, biển đỏ của nhiều bộ, ngành và địa phương.


Dù chưa tới thời điểm khai ấn, khu vực đền Trần-chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) đông nghẹt người và xe. Con đường dẫn vào 2 di tích này hầu như không còn một chỗ trống. Xe lớn, xe nhỏ đậu kín cả dưới lòng đường. Đến gần trưa, bãi giữ xe có sức chứa 3.000 xe ôtô thuộc Dự án công viên văn hóa Trần cũng được huy động tối đa.


Vào 10 giờ sáng, trên đường Trần Thừa hai làn rải nhựa bóng lì dài khoảng 2km trước cửa đền Trần, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều xe công đậu cạnh nhau. Đếm sơ sơ một lượt cũng có tới gần 50 xe biển xanh, biển đỏ, trong đó có 4 chiếc mang biển kiểm soát của các bộ, ngành trung ương gồm: 80B 4019, 80A 008.08, 80B 1752, 80B 4199.


Trong số đám xe công của các địa phương, nổi bật và đông đảo nhất là xe mang "họ" 90B của tỉnh Hà Nam. Đáng chú ý nhất là những xe mang biển số đẹp như: 90B 1989, 90B 5689, 90B 3229, 90B 6888, 90B 1178, 90B 6889, 90B 1268, 90B 6699, 90B 0797...


Trái ngược với xe công của các địa phương khác thường xuất hiện lẻ tẻ, dàn xe công của tỉnh Hà Nam lại thường chọn các chỗ đậu "tập thể," dàn thành từng hàng dọc hay hàng ngang. Lẫn trong đám xe công đi lễ ở đây, không hiếm các xe mang biển đỏ của quân đội. Cũng giống như các xe biển xanh của Hà Nam, xe quân đội đi lễ ở đây cũng có tới 5 chiếc mang biển kiểm soát KA 88-48, KB 54-35, KB 52-38, HH 61-71, HH 61-73 nối đuôi nhau tại bãi xe.


Đứng cạnh đó là gần chục xe "dẫn đoàn" mang biển 18B của sở, ngành của tỉnh Nam Định. Ngoài ra còn có nhiều xe công mang biển 14 (tỉnh Quảng Ninh), 20 (Thái Nguyên), 31 (Hà Nội), 17 (Thái Bình). Đáng chú ý là chiếc Daewoo 50 chỗ ngồi mang biển kiểm soát 31 A 4598 của Hà Nội với một biển đỏ treo ở gương trước mang dòng chữ "Xe chuyên trách đón công chức thành phố."


Thấy phóng viên lúi húi cầm bút ghi biển số xe và rút máy ảnh ra chụp, người lái xe vội vứt điếu thuốc lá đang hút dở và hốt hoảng phóng từ vệ đường ra thanh minh: "Tôi chỉ đeo biển đó cho hay thôi. Xe không phải của Hà Nội đâu mà là của trường Đại học Kiến trúc (!)." Quan sát gần đó, phóng viên còn thấy mấy xe công mang biển 31A 0347, 31A 6594.


Tại đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, cách đền Trần khoảng 3km) thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tuy không đông như ở đền Trần nhưng các xe công ở đây lại chiếm tỷ lệ rất lớn.


Trong số khoảng 50 xe ôtô đậu ở bãi xe trước cửa đền thì có tới trên 15 xe biển xanh, biển đỏ. Tại đây, các xe biển xanh của tỉnh Hà Nam vẫn chiếm số lượng "áp đảo" với 6 chiếc tất cả và đậu sát nhau như ở khu vực đền Trần - chùa Tháp. Đậu xa và kín đáo hơn một tí là 3 chiếc xe biển đỏ của quân đội mang biển kiểm soát TK 72-16, TK 74-89 và TK 72-81. Nổi bật nhất trong dàn xe công ở đây là chiếc xe Lexus biển xanh có còi ủ đặt trên nóc mang biển kiểm soát 80A 008-08, đậu ngay trước cửa nghĩa trang liệt sỹ xã Nghĩa Phúc.


Một người dân địa phương cho biết cũng giống như đền Trần phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), đêm 14 tháng Giêng đền Bảo Lộc mới tổ chức lễ khai ấn nhưng từ Tết đến nay không ngày nào ở đây vắng ôtổ biển xanh, biển đỏ. Riêng năm nay, nhà đền đã đón nhiều khách VIP của Trung ương về dâng lễ cầu may, cầu danh.


Hiện tượng công chức dùng xe công đi lễ chùa đã được báo chí nhiều lần đưa tin. Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ đều có chỉ thị nghiêm cấm cơ quan, đơn vị nhà nước dùng xe công đi lễ chùa, cấm công chức dùng xe công vào việc riêng. Thủ tướng cũng từng yêu cầu xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị có xe công đi lễ chùa bị báo chí nêu. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, gây nhiều bức xúc trong dư luận.


Trao đổi với phóng viên, một người dân thẳng thắn: "Đi lễ cầu may là nhu cầu tín ngưỡng của mọi người dân, kể cả các công chức Nhà nước. Xe công thì phải dùng cho việc công. Còn việc đi lễ hội là việc riêng của các cá nhân. Do vậy, cần lên án và xử lý nghiêm những người cố tình bất chấp lệnh cấm, gây lãng phí tiền của Nhà nước"./.

Leave a Reply