“Bẫy” kim cương nhân tạo

(TNTS) Khi kim cương trở nên gần gũi và thông dụng hơn với người mê trang sức thì các thủ thuật tinh vi trong kinh doanh càng xuất hiện nhiều, như những “chiếc bẫy” hoàn hảo để móc túi người mua.
Tại hội thảo “Phân biệt kim cương nhân tạo và đá CZ” do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) tổ chức hồi đầu tháng 1, ông Lê Hữu Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP PNJ cho biết: cái đang được nhiều đơn vị kinh doanh kim hoàn gọi là “kim cương nhân tạo” thật ra chỉ là các loại đá giả kim cương như Cubic Zirconia (đá tổng hợp CZ), YAG, GGG, Spinel Synthetic. Trong đó, CZ là loại đá sử dụng để giả kim cương phổ biến nhất. Để tạo lòng tin cho người mua, nhiều chủ tiệm nữ trang đã dùng những thủ thuật rất tinh vi để biến loại đá này thành kim cương nhân tạo, khiến người mua chịu nhiều thiệt hại. Dưới đây là một số cách “hô biến”.
Đẩy giá cao gấp trăm lần giá gốc
Đã là kim cương thì phải có giá cao! Ông Nguyễn Thành Nghiêm, Giám đốc Công ty giám định SJC Chợ Lớn cho biết: đánh vào suy nghĩ này, nhiều đơn vị bán đá CZ đã nâng mức giá bán lên rất cao so với giá trị thực. Giá bán của đá CZ chỉ từ khoảng 30.000 - 100.000 đồng/viên trong khi họ bán ra từ hàng trăm đến hàng triệu đồng, rất nhiều viên được bán ở mức 1.500.000 đồng/viên. Dù hiện nay có nhiều đơn vị áp dụng hình thức giảm giá 30-50%, thậm chí 70% nhưng giá vẫn còn rất cao, dẫn đến việc người tiêu dùng mua giá nào cũng hớ, bị “móc túi” một lượng tiền không nhỏ.
 
Nhiều loại đá giá rất rẻ được người bán “hô biến” thành kim cương nhân tạo để bán với giá cao - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 
Dùng kính lúp để chứng minh!
Để tạo thêm lòng tin cho khách hàng, những nơi bán kim cương nhân tạo đều có kính lúp để khách soi rõ các mũi tên, hình trái tim trên hạt trong khi nhiều khách hàng không biết đó chỉ là viên đá CZ được cắt theo kỹ thuật cắt của kim cương. Và xem bằng kính lúp không phải là phương pháp để nhận diện kim cương. Theo ông Trần Ngọc Trí, giáo viên Trung tâm dạy nghề mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, để phân biệt kim cương và đá CZ, người tiêu dùng cần làm theo cách là kẻ 2 vạch mực, úp viên đá lên 2 vạch này. Nếu 2 vạch mực nhòe đi thì đó là kim cương, nếu vạch mực không thay đổi thì là đá giả kim cương.
Lập lờ tên gọi
Theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, chỉ có những viên đá có nhãn được ghi bằng cụm từ “Synthetic Diamond” thì mới chính xác là kim cương nhân tạo. Còn với những cụm từ khác như: Cubic Zirconnia - Diamond cut, Synthetic Cubic Zirconnia - Diamond cut, CZ - Diamond cut, Synthetic Gemstone Diamond cut… đều là những nhãn lập lờ đá giả kim cương. Người tiêu dùng cần cẩn thận để tránh bị “chém” với giá cao ngất ngưởng.
Chế độ hậu mãi đặc biệt
Ngoài kim cương thật và một số loại đá quý (được một số công ty nữ trang lớn mua lại) thì đa số các loại đá bình thường đều không được người bán mua lại. Tuy nhiên, để tăng thêm lòng tin đối với người mua với “kim cương nhân tạo” trên thị trường, một số nơi bán sẵn sàng mua lại với mức khoảng 60-70% so với giá bán ban đầu.
Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM khuyến cáo, hiện tại, người tiêu dùng cần cẩn thận khi mua kim cương và đặc biệt không nên tin vào sự quảng bá về sự xuất hiện rầm rộ của kim cương nhân tạo hiện nay. Thạc sĩ Đoàn Thị Anh Vũ, giảng viên Khoa Địa chất chuyên ngành ngọc học Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết: “Năm 1970, Mỹ sản xuất thành công kim cương quý tổng hợp có đầy đủ tính chất hóa học như kim cương thiên nhiên. Tuy nhiên, giá thành của loại này cao hơn kim cương tự nhiên gấp nhiều lần nên hiếm khi xuất hiện trên thị trường”. Ông Lê Hữu Hạnh thì khẳng định: trên thị trường nữ trang ở Việt Nam chưa có sự xuất hiện của kim cương nhân tạo.
Cẩm Nhi
Theo Thanhnien
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120202/bay-kim-cuong-nhan-tao.aspx

One thought on ““Bẫy” kim cương nhân tạo


  1. Bài viết thật bổ ích có thể tham khảo thêm trên trang web : http://gemstones.com.vn/kim-cuong-nhan-tao/zirconia-tron/swarovski-zirconia-tron.html

    Trả lờiXóa