(VEF.VN) - Cần cảm ơn Matt vì bài viết của anh đang gây tò mò cho nhiều người. Thay vì lên án Matt, chúng ta hãy bình tĩnh nhìn nhận lại toàn thể sự việc sau đó sửa sai dần để mong tìm lại niềm tin nơi du khách.
Ngay sau khi bài viết của blogger Mỹ Matt Kepnes chỉ trích du lịch Việt Nam được đăng tải trên Huffington Post, độc giả trong nước và quốc tế có nhiều ý kiến đa chiều.
Không có lửa sao có khói?
Nhiều độc giả chia sẻ trải nghiệm khi đi du lịch ở Việt Nam và hầu hết đều thừa nhận, thực trạng như Matt viết là có thật.
Độc giả Nguyễn Thanh Bình trú tại phường Tân Sơn Nhì, TP.HCM cho rằng những gì mà blogger Matt Kepnes viết không phải hoàn toàn vô lý và bịa đặt.
Ai cũng thấy rõ một điều, khách du lịch là đối tượng dễ bị các gánh hàng rong, các shop bán hàng lưu niệm chặt chém. Độc giả này cho biết đã tận mắt đã chứng kiến người bán hàng rong chèo kéo khách ngay trước Bảo tàng chứng tích chiến tranh hoặc ngay tại thành phố biển Nha Trang.
"Không có lý do gì có thể biện minh được cho hành động đáng xấu hổ đó. Tôi đi du lịch Campuchia, người ta làm rất tốt, tôi không thấy hiện tượng du khách bị chèo kéo như ở nước mình", độc giả này so sánh.
Độc giả Nguyễn Anh Trung, từng làm quản lý một khách sạn, hàng ngày chứng kiến và giải quyết nhiều phàn nàn của khách về việc bị chèo kéo mua hàng, cũng chia sẻ: "Tôi đã thực tế thấy tận mắt cảnh chèo kéo mời mua hàng như thế ở Sài Gòn. Việc taxi ăn gian tiền của khách là có thật 100%, từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâmTP.HCM là 120.000 hay 130.000 đồng thì tài xế thu của khách quốc tế cao gấp 10 lần, lên tới 1,2 hay 1,3 triệu đồng hoặc 20 hay 50 USD. Xe xích lô thì còn 'chặt chém' kinh hơn, đoạn đường lòng vòng khu trung tâm, thu của khách 100 USD. Giờ lại xuất hiện 'đội quân bán hàng cơ động nhanh' gồm nhóm từ 5 đến 10 người sử dụng xe máy. Chỗ nào hay khách sạn nào có khách tập trung thì đội quân này ầm ầm lập tức xuất hiện chèo kéo, mời mọc."
Độc giả có nickname Takayama lên tiếng cho rằng: "Ngay bản thân tôi là người Sài Gòn một lần đi ra Hà nội và ghé phố Lương Văn Can mua con búp bê Tàu cho con gái cùng một người bạn ở Hà Nội đã bị người bán chửi là "đồ nhà quê" khi có lời đề nghị bớt giá".
Còn ngay ở Sài Gòn, chỉ mới Tết vừa qua, khi Takayama đưa khách hàng từ sân bay về khách sạn ở Q.1 bằng taxi sân bay, qua đồng hồ chỉ 110.000 đồng + 5.000 đồng lệ phí sân bay. Thế nhưng khi khách của Takayama đưa 150.000 đồng thì tài xế không những không trả lại tiền thừa mà cũng chẳng cảm ơn lời nào.
Còn trên Huffington Post, độc giả có nick name Kindersly Webber đồng tình: "Tôi và vợ vừa mới trở về từ Việt Nam, Campuchia và Thái Lan và chúng tôi đều cho rằng, Việt Nam là điểm đến ít hấp dẫn nhất. Người bán hàng rong, người lái taxi, xe ôm... nhiều khi nằng nặc đòi tiền boa, rõ ràng gây khó dễ cho chúng tôi. Chúng tôi cũng gặp nhiều người tốt, nhưng rất ít, ngược hẳn với Thái và Campuchia, đa số đều rất dễ chịu".
Vấn đề chung của nhiều ngành du lịch
Tuy những điều Matt viết, ở nhiều khía cạnh là đúng, nhưng nhiều người cho rằng, đó là tình trạng chung ở nhiều địa điểm du lịch, không chỉ riêng gì Việt Nam.
"Việc người bán hàng cố bán món hàng của mình với giá gấp 10 lần thực tế là chuyện thường thôi, không liên quan gì đến sự tôn trọng hay văn hóa cả. Người bán hàng ở Bắc Mỹ cũng thế mà thôi.... Tôi cũng từng bị đi một chuyến taxi 'câu đường' ngay ở Boston", độc giả Huffantuan chia sẻ trên Huffington Post.
Trên Huffington Post, độc giả có nickname mib mob mab cũng phản hồi bài viết của Matt, không có gì trong bài viết của Matt là mới khi đi du lịch đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Ai cũng có thể cắt - dán câu chuyện của Matt vào blog của mình, chỉ cần thay đổi tên quốc gia để có được một bài viết gây tranh cãi.
"Nếu anh tự coi bản thân mình là một dân du lịch lõi làng, giàu kinh nghiệm chi tiêu, mà lại chẳng chuẩn bị cho mình đối mặt với tất cả những điều này, có thể coi đây như là 'chuyến đi đầu tiên của anh ra với thế giới thực'", mib mob mab viết.
Dù Matt là một người đã du lịch nhiều nơi, nhiều độc giả trong đó có NSMT trên Huffington Post đều cho rằng, trường hợp của Matt là sốc văn hóa (culture shock) do chưa chuẩn bị kĩ trước khi đến Việt Nam. Trước khi đi du lịch, nhất là du lịch bụi, phải tìm hiểu rõ đất nước mình sắp tới, làm quen với 1 vài người bản địa ở đó qua các trang web kết bạn, hỏi han, chuẩn bị cho mình hành trang thật tốt từ các thiết bị du lịch đến kiến thức về phong tục tập quán, kinh tế và kinh nghiệm từ những người đi trước.
"Ai cũng có thể gặp chuyện không hay khi đi du lịch, đó là chuyện dễ hiểu. Việc bị đối xử khác với người bản địa tại các điểm du lịch ở nước ngoài cũng là chuyện thường".
Có một thực tế là ngay cả ở những nước phát triển như ở châu Âu, tình trạng lừa lấy tiền của du khách, cướp giật, móc túi cũng diễn ra rất căng thẳng, đặc biệt ở các thành phố du lịch phát triển như Rome, Paris, London...
Độc giả Jen chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch châu Âu, ngay ở quảng trường nhà thờ trung tâm thành phố Milan - Duomo di Milan (Milan), hay ở quảng trường San Macro (Venice) cũng luôn có một nhóm những người dân da đen luôn cầm sẵn ngô, mời khách cho chim bồ câu ăn. Nếu khách du lịch nào không được nhắc trước, mà cầm chỗ ngô đó, hoặc là sẽ bị cả nhóm người này quây vào ăn vạ bắt trả tiền cho bằng được với giá cắt cổ, 20-30 euro/vài hạt ngô hoặc xui hơn sẽ bị cảnh sát địa phương bắt vì ở những địa điểm công cộng tại châu Âu luôn cấm khách cho chim ăn.
"Một người bạn của tôi đã từng bị giật đồ ngay tại Milan", độc giả này chia sẻ thêm. Phần lớn đó là người dân nhập cư hợp pháp hoặc bất hợp pháp hoặc thất nghiệp.
Còn độc giả Pham Nguyen Hai kể lại câu chuyện về chuyến thăm London của mình. "Tôi đã bị một cậu thanh niên da đen trên chuyến xe buýt công cộng tới Brixton gây hấn. Tại chặng Stoke Newington, một cậu trai Thổ Nhĩ Kỳ đã ném cho tôi cái nhìn đe dọa. Đến Hackney, một số người da trắng say rượu chửi tôi một cách thô tục và giơ 'ngón tay thối' về phía tôi vì họ nghĩ tôi đến đó để cướp việc làm của họ. Ở một cửa hàng của Tesco ở King's Cross, một anh chàng người Anh ăn mặc rất tử tế thẳng tay 'chôm' ngay món hàng tôi vừa mua còn ở trong giỏ đồ và thản nhiên đi mà không nói gì. Còn tại Brick Lane, một người bán hàng rong người Bangladesh khăng khăng rằng tôi chỉ đưa cho cô ta tờ 5 bảng chứ không phải 10 bảng và đe dọa sẽ gọi cảnh sát nếu tôi không chịu rời cửa hàng".
"Chuyện gì cũng có hai mặt. Có thể những gì Matt đã trải nghiệm hoàn toàn là sự thật, nhưng anh ấy cũng chưa tìm thấy những điểm tích cực khác" - là chia sẻ của nhiều độc giả trên Huffington Post.
Độc giả có tên KarenFawcett nhận xét, "Tôi vừa trở về từ Việt Nam và cũng không thấy cảm giác bị lừa gạt. Những gì Matt phải trải qua thật đáng tiếc, nhưng Việt Nam là đất nước mà tôi thấy có nhiều người dân cực kỳ hiếu khách".
Còn độc giả có nickname itsman viết,"Không nghi ngờ câu chuyện của anh có gì sai sự thật nhưng tôi thất vọng về bài viết của anh. Anh bảo anh đến Hội An, thế mà việc duy nhất anh nhớ là chuyện bị lừa vài cent? Anh chẳng nói gì đến cuộc cách mạng văn hóa và sự đa dạng văn hóa ở đó, nơi đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa".
Phải cảm ơn Matt vì tạo sóng trong dư luận?
Nhiều người cho rằng dù chuyện Matt viết về du lịch Việt Nam là chuyện thật hay 'dựng chuyện', nghe hơi nồi chõ đi chăng nữa, thì đây cũng là điều khiến những người làm du lịch và những nhà quản lý du lịch phải suy nghĩ.
Người làm du lịch nên nghĩ về hình ảnh và lợi ích quốc gia nhiều hơn nữa, không chỉ nghĩ đến việc tư lợi cá nhân mà làm hỏng ấn tượng của khách du lịch về cả một đất nước. Vì chính những người bán hàng rong, người lái taxi, xe ôm, cũng chính là đại sứ du lịch của mỗi quốc gia với khách du lịch nước ngoài.
Đối với các nhà quản lý du lịch, ngoài chính sản quản lý du lịch, "cũng cần giáo dục văn hóa thêm nữa cho những người bán hàng, để chính chúng ta không gặp phải sự việc như trên và hơn nữa là khách quốc tế", độc giả Thảo Nguyên viết.
Độc giả Hoàng Trang chia sẻ suy nghĩ: "Bài viết này cũng tốt, tốt vì nó như một lời nhắc nhở và bài học giúp người Viêt Nam có dịp nhìn lại mình và học hỏi nhiều hơn để hòa nhập với thế giới, để quốc tế hiểu đúng về Việt Nam. Hãy thay đổi thái độ của chính mình trước khi yêu cầu người khác làm điều đó".
Trên Huffington Post, một độc giả nhận tự nhận đang là Phó Giám đốc một công ty du lịch uy tín, đặc biệt với các tour trong nước cho khách nước ngoài cũng viết, phải cảm ơn Matt vì bài viết của Matt đang gây tò mò cho nhiều người.
"Thay vì lên án Matt, chúng ta hãy bình tĩnh nhìn nhận lại toàn thể sự việc sau đó sửa sai dần để mong tìm lại niềm tin nơi du khách" - một độc giả nhắc nhở. Có điều đáng tiếc rằng, Việt Nam có quá nhiều cảnh đẹp, đừng để một hiện tượng xấu tồn tại làm méo mó hình ảnh đất nước, con người và ngành du lịch. Cũng đừng tự tin có nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa lâu đời, phong phú... mà ngủ quên trên niềm tự hào đó, bởi một ngành du lịch muốn phát triển vẫn phụ thuộc nhiều vào dịch vụ.
Nói cách khác bên cạnh việc 'chê bôi' Việt Nam, Matt cũng đang gián tiếp PR cho Việt Nam, bởi anh cũng viết rất rõ ở phần cuối bài. "Dù tôi đã có nhiều trải nghiệm rất tệ ở Việt Nam, nhiều người khách vẫn có những ấn tượng tốt. Bạn nên tự trải nghiệm".
Không biết bài viết của Matt sẽ mang tới những hiệu ứng gì cho du lịch Việt Nam, câu trả lời còn đang ở phía trước.
Theo VEF.VN
Leave a Reply