(Chinhphu.vn) - Tuần đầu tiên của tháng 2/2012, trong tiết Xuân tháng Giêng, trên cả nước diễn ra nhiều lễ hội lớn, trong đó điểm nhấn là sự kiện Festival Thơ châu Á- Thái Bình Dương lần 1 và mùa Quan họ bắt đầu…
Hội thả thơ dưới chân núi Bài Thơ trong Festiaval Thơ châu Á-TBD tại Quảng Ninh. Ảnh: Chinhphu.vn |
Trong khuôn khổ Festival đã diễn ra các hoạt động có ý nghĩa nhân văn cao đẹp: Lễ dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế - Thi sỹ Lê Thánh Tông tại chân núi Bài Thơ; lễ thả thơ có tên gọi “Tiền nhân” về kỳ quan Hạ Long bên bờ Vịnh Hạ Long và hội thảo “Thơ ca vì một châu Á - Thái Bình Dương hoà bình - hữu nghị - hợp tác - phát triển”.
Sau 2 ngày hoạt động diễn ra ở Quảng Ninh, các đại biểu đã về Hà Nội tham dự các hoạt động khác của Liên hoan như: tham quan làng gốm Bát Tràng và một số địa danh tại Hà Nội; Dạ hội thơ với chủ đề “Mùa xuân đất nước” vào tối 4/2 và tham dự các hoạt động của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10 diễn ra vào ngày 5/2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10 năm nay diễn ra tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội vào ngày Chủ nhật, 5/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch).
Cũng ở Quảng Ninh, ngày 1/2, tại khu di tích danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí đã khai mạc Lễ hội Yên Tử - một trong những lễ hội dài nhất miền Bắc. Lễ khai mạc được mở đầu bằng nghi thức rước lễ long trọng của đoàn hơn 100 phật tử. Tiếp đó là phần biểu diễn nghệ thuật với màn trống hội hoành tráng, đội múa rồng, lân sôi nổi, màn hát múa vui hội đầu xuân do hơn 100 diễn viên địa phương biểu diễn và màn hát kịch “Hào khí non thiêng” của Đoàn Chèo Quảng Ninh. Năm nay, lễ hội Yên Tử hy vọng sẽ thu hút 3 triệu khách tham quan.
Hội Lim năm nay được tổ chức trong 2 ngày 3 và 4/2 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng Nhâm Thìn) tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trung tâm lễ hội vẫn là đồi Lim, với 2 phần chính là phần lễ và phần hội.
Trong phần hội tái hiện lại không gian Hội Lim xưa, với các trò chơi dân gian truyền thống như đánh đu, vật, bịt mắt bắt dê, đập niêu, chọi gà, nhảy bao bố, thi cờ người, chơi tổ tôm điếm, bình thơ, chơi thư pháp, thi dệt cửi…
Điểm đáng chú ý trong Hội Lim năm nay là sẽ xác lập kỷ lục “Nhiều người mặc trang phục Quan họ và cùng hát dân ca Quan họ Bắc Ninh nhất”, với khoảng 2.000 người tham gia.
Sáng nay (4/2), ngày chính Hội Lim, các liền anh, liền chị mặc trang phục Quan họ tập trung tại Trường PTTH Nguyễn Đăng Đạo, thị trấn Lim, huyện Tiên Du và diễu hành lên đồi Lim để cùng hát bài Dân ca Quan họ “Mời nước, mời trầu”.
Hội Lim diễn ra trong các ngày 12-13 tháng Giêng Nhâm Thìn |
Trong 3 ngày 30, 31/1 và 1/2 (tức ngày 8 - 10 tháng Giêng), tại Lăng Ông Duyên Hải (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) diễn ra lễ hội Nghinh Ông lần thứ nhất, thu hút hơn 10.000 lượt ngư dân từ khắp nơi về dự lễ.
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội văn hóa tâm linh của người dân vùng biển. Trong lễ hội lần đầu tiên được tổ chức tại đây, bên cạnh nghi lễ chính thức, rước vong linh cá Ông từ biển vào lăng để cầu quốc thái dân an, người đi biển có cuộc sống ấm no hạnh phúc còn có các hoạt động ca múa nhạc, sân khấu cải lương, trò chơi dân gian, góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội.
Bên cạnh đó, nhiều lễ hội khác cũng tưng bừng diễn ra trong tuần như: Lễ hội Huyền Trân (Huế), lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường ở miền Tây xứ Thanh; Lễ hội Lồng Tồng ở Thái Nguyên, Lào Cai, Hội chợ Viềng (Nam Định).
Nhìn chung công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được chú trọng, nhưng tại các điểm lễ hội, do lượng người đổ về các lễ hội quá đông nên vẫn còn cảnh chen lấn, xô đẩy, quá tải cáp treo hoặc tăng giá dịch vụ...
Tối ngày 1 và 2/2, khán giả Thủ đô đã hào hứng đón nhận hai đêm nhạc “Cho em và cho anh”, kết hợp giữa các ca khúc của Trịnh Công Sơn và Phú Quang tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hát các ca khúc trong “Cho em và cho anh” là những ca sĩ quen thuộc của dòng nhạc Phú Quang và Trịnh Công Sơn như Mỹ Tâm, Ngọc Anh, Tấn Minh, Quang Lý, Nhật Thu, Hằng Nga và nhóm Con gái, nhạc sỹ kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn. Đêm diễn đã mang đến cho khán giả yêu nhạc Thủ đô một không gian tràn đầy cảm xúc với những bản tình ca say đắm, nồng nàn, những giai điệu nhẹ nhàng, du dương của hai nhạc sĩ tài hoa.
Ban nhạc Nhật Bản Unit Asia biểu diễn buổi hòa nhạc jazz vào tối 3/2 tại Hà Nội (sau đó là ở TP Hồ Chí Minh). Đây là chuyến biểu diễn đầu tiên của ban nhạc này tại Việt Nam. Ban nhạc Unit Asia gồm 5 nhạc công xuất sắc, mang phong cách riêng, trong đó 3 nhạc công tên tuổi người Nhật Bản là Isao Miyoshi (guitar), Hiroyuki Noritake (bộ gõ) và Shigeki Ippon (bass). Ngoài ra ban nhạc có một nghệ sĩ kèn saxophone tài ba người Thái Lan Koh Mr.Saxman và Tay Cher Siang, một nghệ sĩ dương cầm đầy hứa hẹn người Malaysia. Đại diện cho các nghệ sỹ Việt Nam tham gia biểu diễn cùng Unit Asia là ca sĩ Tùng Dương.
Trong chuyến lưu diễn nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn, các nghệ sĩ Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ mang tới khán giả miền Trung những tiểu phẩm hài đặc sắc: "Nụ cười chiến sĩ", "Phố cười", "Đàn ông cũng khóc". Đây là những tiểu phẩm được dàn dựng và công diễn trước đây tại Hà Nội. Đợt lưu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ tại Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Quảng Bình, diễn ra từ ngày 2-22/2.
Chuyến lưu diễn tại miền Trung có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ: Chí Trung, Minh Vượng, Tuấn Hải, Vân Dung, Đức Khuê, Sĩ Tiến, Bá Anh, Đức Hiệp, Thanh Tú, Thu Quỳnh, Phan Hòa, Thành Trung... Điều thú vị trong chuyến lưu diễn chương trình hài kịch tới miền Trung dịp đầu xuân Nhâm Thìn này, "Giáo sư" Cù Trọng Xoay (nghệ danh quen thuộc của Đinh Tiến Dũng, một trong các tác giả biên kịch "Gặp nhau cuối năm" ) - với vai trò người dẫn chương trình sẽ cùng với Táo Giao thông Chí Trung mang tiếng cười hóm hỉnh "xông đất" miền Trung.
Chương trình nghệ thuật mừng ngày sinh của Đảng quang vinh 3/2/2012. Ảnh: CPV.org.vn |
Cũng trong tuần qua, mừng sinh nhật Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 82 (3/2/1930-3/2/2012), rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang chủ đề “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”, “Đảng cho ta mùa Xuân” đã được tổ chức trên cả nước.
Mai Hồng
Theo Chinhphu.vn
Leave a Reply