Sau ba tuổi thì đã muộn

Masaru Ibuka, doanh nhân nổi tiếng người Nhật, cha đẻ của tập đoàn Sony là người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục con trẻ, đặc biệt là giáo dục tài năng sớm. Từ những điều mà ông chia sẻ trong cuốn “Sau ba tuổi thì đã muộn”, ta có thể rút ra nhiều bài học bổ ích.

5 bước thực hành yêu thương

Masaru Ibuka, một người cha, một nhà giáo dục và một doanh nhân nổi tiếng




Theo Masaru Ibuka, để con trẻ có thể phát triển tốt, cha mẹ không nhất thiết phải sắm cho chúng các loại đồ chơi hiện đại đắt tiền, cũng chẳng cần nghiền ngẫm các phương pháp giáo dục cao siêu hay tham gia một khóa học đặc biệt nào cả. Thứ duy nhất mà cha mẹ cần làm đó là hãy dành nhiều thời gian hơn để yêu thương con. Và tình yêu thương đó có thể “diễn giải” thành 5 bước cơ bản dưới đây:

1. Siêng năng bế ẵm, âu yếm con. Việc tiếp xúc, gần gụi với thân thể cha mẹ không chỉ giúp ươm “mầm lương tri”, lòng trắc ẩn, sự nhạy cảm trong bé mà còn tác động rất tích cực lên trí thông minh của “thiên thần nhỏ”. Cho bé ngủ chung giường và thường xuyên ôm ấp bé thực ra không hề làm hư bé như nhiều người vẫn nghĩ. Sự trìu mến dành cho trẻ nhỏ chính là nền tảng tốt nhất để các bé phát triển lành mạnh.

2. Tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của con. Điều đó không có nghĩa là phải trang bị cho ngôi nhà của bé thật tiện nghi và đầy ắp đồ chơi xịn. Khi quá tiện nghi, bé sẽ ít động não hơn, và khi có quá nhiều đồ chơi bé sẽ bị phân tâm, khó tập trung. Ví như chỉ có một chú gấu bông thì bé sẽ “nghiên cứu” nó thật kỹ và cố nghĩ ra thật nhiều trò để chơi cùng nó. Nhưng nếu có cả một bầy thú nhồi bông, búp bê, siêu nhân… vây quanh thì bé sẽ không dừng lại lâu với món nào để “tư duy” kỹ lưỡng cả. Ngoài ra, để trẻ có thể phát triển lối tư duy khác biệt, tích cực, bạn chớ vội mua ngaycho con những thứ mà con thích. Cứ để con thiếu thốn một chút thì trí tưởng tượng của con càng có cơ hội bay bổng. Đôi giày sành điệu của mẹ có thể biến thành một cặp… chiến xa. Còn thùng đồ sửa xe của bố ư? Có thể được bé hình dung như một tòa lâu đài đầy bí hiểm.
3. Trao cho con chì màu, đất nặn càng sớm càng tốt! Tất cả những gì mà trẻ tự tạo ra bằng đôi tay của chính mình – vẽ, nặn, tô, hay thậm chí là xé tan, đập nát thứ gì đấy… thì cũng giúp trí thông minh và bản năng sáng tạo của trẻ phát triển. Và phụ huynh đừng nên liên tục phê bình, chỉnh đốn con kiểu như: “Cầm bút cao cao lên nào!”, “Không được dùng tay trái”, “Sao mặt trời lại màu tím, màu đỏ chứ”…. Vì như vậy ta chỉ cản trở sự sáng tạo của trẻ mà thôi. Nhân tiện xin nói thêm là việc sử dụng tay trái hay tay phải đều có tác dụng như nhau trong việc tăng cường khả năng của bộ não ở trẻ nhỏ.

4. Thường xuyên đọc sách cho con nghe và dạy con học thuộc thơ. Bộ nhớ của các bé lên ba có thể lưu giữ cả trăm bài thơ ngăn ngắn và càng được rèn luyện nhiều thì bộ nhớ ấy càng… mênh mông hơn. Ban đầu bé có thể ngắc ngứ mãi không đọc trôi một câu thơ, nhưng dần dần bé có thể làu làu cả một tập thơ vài chục rồi vài trăm bài. Ngoài tác dụng luyện trí nhớ, việc đọc thơ còn đem cho bé niềm hứng khởi đối với thơ ca, bồi dưỡng cho tâm hồn bé thêm phong phú.



Tất cả những gì mà trẻ tự tạo ra bằng đôi tay của chính mình – vẽ, nặn, tô, hay thậm chí là xé tan, đập nát… thì cũng giúp trí thông minh và bản năng sáng tạo của trẻ phát triển.


5. Khi bé đã biết đi, hãy dắt bé đi dạo thay vì đặt bé trong xe nôi. Lý do là đi bộ trên đôi chân của chính mình sẽ kích thích trẻ tư duy tốt hơn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà bác học, nhà văn nhiều khi bị “bí” ý tưởng hay “tụt” cảm hứng đã đứng lên đi bộ loanh quanh và ý tưởng bỗng dưng lại xuất hiện, cảm hứng đột nhiên quay về.

Lớn lên cùng đại gia đình

Theo Masaru Ibuka, lý tưởng nhất đối với trẻ con là được lớn lên trong một đại gia đình với nhiều thế hệ. Sự hiện của ông bà, cô dì, chú bác, anh chị em tạo ra một môi trường xã hội tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Bản thân Masaru đã từng dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho đứa con trai bị bệnh bại não của mình. Ông cho rằng trong gia đình, người cha chỉ làm trụ cột kinh tế thôi chưa đủ mà còn phải là nhà giáo dục thực sự đối với các con và ông kêu gọi các ông bố hãy đi tiên phong trong sự nghiệp giáo dục con cái.

Phương pháp của “ông Sony” từng bị phản đối vì quan điểm dùng hình phạt thể chất đối với trẻ dưới ba tuổi nhưng Masaru Ibuka lý giải rằng trẻ cần được đưa vào nề nếp từ lúc chưa đầy một tuổi, vì đến ba tuổi thì ở trẻ đã hình thành lòng tự trọng và việc quở mắng hay dùng roi vọt lúc ấy sẽ rất nan giải, thậm chí là vô nghĩa. Tuy nhiên, Masaru Ibuka cũng nhấn mạnh rằng không bao giờ nên dùng những hình phạt khiến trẻ cảm thấy bị sỉ nhục và nảy sinh lòng thù hận. Và nói chung, đối với con trẻ thì khen ngợi, khích lệ luôn cần được ưu tiên, còn trừng phạt thì hãy giảm thiểu. Đặc biệt là đừng bao giờ trách phạt, đánh mắng trẻ trước mặt người khác. Bạo hành và sỉ nhục không bao giờ có thể là bạn đồng hành với sự phát triển của trí tuệ. Chỉ có sự ham mê hiểu biết và niềm vui khám phá mới có thể giúp trẻ vươn đến những chân trời mới của tri thức.





Trong cuốn “Sau 3 tuổi thì đã muộn” (“Kindergarten is Too Late”, xuất bản năm 1971), Masaru Ibuka cho rằng thời kỳ lĩnh hội kiến thức quan trọng nhất ở con người diễn ra trong khoảng thời gian từ lúc chào đời cho đến khi 3 tuổi. Từ đó, ông đã đề xuất những phương thức để tận dụng thời kỳ này. Lời tựa của cuốn “Kindergarten is Too Late” được viết bởi Glenn Doman, người sáng lập ra Viện nghiên cứu Tiềm năng Con người - một tổ chức hướng dẫn các bậc phụ huynh về các phương pháp phát triển trí lực cho con em mình. Ibuka và Doman đều nhất trí rằng năm đầu tiên trong cuộc đời là thời kỳ có vai trò trọng đại đối với việc giáo dục con người.


Phan Minh Ngọc (Tổng hợp từ LiveInternet, Wild-mistress, Wikipedia)


Leave a Reply